Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng hơn 4% vào ngày thứ Hai (02/3), đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, được thúc đẩy nhờ vào sự lạc quan rằng OPEC cùng với các đồng minh sẽ sớm tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng.
Giá dầu cũng tìm thấy hỗ trợ từ kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đã sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex tiến 1.99 USD (tương đương gần 4.5%) lên 46.75 USD/thùng, sau khi sụt 5% trong ngày thứ Sáu tuần trước (28/02).
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn cộng 2.23 USD (tương đương 4.5%) lên 51.59 USD/thùng.
Cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ ngày 16/09/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
“Trong khi giá dầu khởi sắc trong ngày thứ Hai, những yếu tố thúc đẩy đà suy yếu gần đây vẫn còn rất nhiều”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định. “Sự lây lan của dịch COVID-19 vẫn là mối quan tâm chính đối với thị trường và công chúng, đặc biệt sau ca tử vong đầu tiên vì virus tại Mỹ ở Washington”.
Dầu tăng vào ngày thứ Hai trong bối cảnh chứng khoán giao dịch đầy biến động, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm có hành động để ngăn chặn sự sụp đổ sâu hơn của nền kinh tế từ dịch COVID-19. Chỉ số PMI của Trung Quốc đã rơi xuống đáy kỷ lục trong tháng 02/2020, cho thấy sự thu hẹp kinh tế sâu sắc vì dịch bệnh.
Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Sáu tuần trước (28/02) cho biết Cơ quan này “đang theo dõi chặt chẽ” sự bùng phát của COVID-19, và các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs hôm Chủ nhật (01/3) dự báo Fed sẽ sớm hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Haruhiko Kuroda, cũng đưa ra tuyên bố vào ngày thứ Hai rằng Ngân hàng này “sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới trong tương lai” và cam kết “mua tài sản và có hành động thích hợp cho thị trường”. Các thị trường châu Á cũng phục hồi mạnh mẽ từ đợt bán tháo hồi tuần trước.
Thị trường dầu mỏ sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp diễn ra vào ngày 05-06/03 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh ở Vienna để thảo luận khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu.
Wall Street Journal đưa tin vào ngày thứ Hai rằng Ả-rập Xê-út đã đưa ra một thỏa hiệp đối với Nga và các nhà sản xuất khác, rằng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 600,000 thùng/ngày và Ả-rập Xê-út cắt giảm thêm 400,000 thùng/ngày.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ nhật (01/03) cho biết ông sẵn sàng hợp tác với OPEC+, và tin rằng nhóm này có thể giữ giá dầu ổn định trong dài hạn.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 4 vọt 3.8% lên 1.5396 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 tăng 3.5% lên 1.5287 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 leo dốc 4.3% lên 1.756 USD/MMBtu.