Các hợp đồng dầu thô tương lai xóa sạch đà tăng đầu phiên ngày thứ Ba (07/04) và giảm mạnh vào cuối phiên, chịu sức ép sau khi một báo cáo của Chính phủ Mỹ đã hạ dự báo giá dầu WTI và dầu Brent cùng triển vọng sản lượng dầu thô nội địa trong năm nay và năm tới.
Nhà đầu tư cũng cân nhắc triển vọng cắt giảm sản lượng toàn cầu khi các nhà sản xuất chủ chốt tổ chức cuộc họp vào cuối tuần này.
Triển vọng giá dầu có vẻ suy yếu nhiều hơn sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu WTI và dầu Brent, theo báo cáo Triển vọng Năng lượng trong ngắn hạn công bố vào ngày thứ Ba. Cơ quan này cũng hạ dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2020 giảm 9.5% xuống 11.76 triệu thùng/ngày – thấp hơn so với một số dự kiến.
“Giá dầu đã xóa sạch đà tăng sau khi EIA chỉ hạ dự báo sản lượng dầu tại Mỹ trong năm 2020 thêm 1.2 triệu thùng/ngày, cho thấy sản lượng dầu của Mỹ vẫn sẽ góp phần vào tình trạng dư cung trên thị trường”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Trong bối cảnh đó, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 2.45 USD (tương đương 9.4%) xuống 23.63 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 1.18 USD (tương đương 3.6%) còn 31.87 USD/thùng.
Trong khi đó, nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng về một thỏa thuận sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, bao gồm Nga, “có khả năng vào ngày thứ Năm (09/04) tới”, Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, chia sẻ. “Đã có những tin đồn về khả năng Mỹ tham gia vào một thỏa thuận, nhưng bất kể nước Mỹ có chính thức ký kết thỏa thuận hay không, thì các công ty Mỹ có thể buộc phải giải quyết tình trạng giá dầu giảm sâu bằng cách tự cắt giảm sản lượng”.
Các báo cáo tin tức cho hay Ả-rập Xê-út và Nga đạt được những tiến triển đối với một thỏa thuận cắt giảm sản lượng, chấm dứt cuộc chiến giá dầu, vốn khiến thị trường lâm vào tình trạng dư cung trầm trọng ngay cả khi nhu cầu sụt giảm do các nền kinh tế chủ chốt phong tỏa trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19. Các nhà sản xuất dầu chủ chốt dự kiến tổ chức cuộc họp vào ngày thứ Năm (09/04).
Reuters đưa tin vào ngày thứ Ba rằng OPEC+ sẽ chỉ đồng ý cắt giảm sản lượng nhiều hơn nếu Mỹ và một số nước khác cùng tham gia cắt giảm, trong khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng sản lượng nội địa đã giảm mà không cần hành động từ Chính phủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, được hỏi trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (06/04) rằng liệu ông sẽ tiến hành các bước để cắt giảm sản lượng dầu tại Mỹ như một phần của nỗ lực toàn cầu cắt giảm sản lượng, thì cho biết ông không nhận được yêu cầu như vậy.
“Tôi nghĩ đó là tự động thôi bởi vì các nhà sản xuất Mỹ đã cắt giảm rồi”, ông Trump nói và bổ sung rằng “nếu Nga và Ả-rập Xê-út hỏi tôi, tôi sẽ đưa ra quyết định”.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 5 sụt 7.6% xuống 64.82 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 mất 1.7% còn 1.0275 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 vọt 7% lên 1.852 USD/MMBtu.