Dù đã hạ nhiệt nhưng tuần qua đánh dấu tuần lịch sử khi giá vàng trong nước ngày đầu tuần đã áp sát mốc 50 triệu đồng/lượng, vượt mốc lịch sử 9 năm trước là 49,3 triệu đồng/lượng. Điểm đặc biệt, giá thế giới dù chưa vượt đỉnh lịch sử vào thời điểm đó là 1.921USD/troy ounce, nhưng nếu tính tương quan với đồng USD, mức này đã chính thức vượt qua.
Các yếu tố tác động giá vàng
Đợt tăng giá vàng này có 2 vấn đề nổi bật. Thứ nhất, giá trong nước tăng cao hơn giá thế giới, khiến chênh lệch xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng. Kể từ khi chỉ còn 1 thương hiệu vàng quốc gia, có thể nói đây là lần đầu tiên mức chênh cao như vậy.
Thứ hai, chênh lệch mua/bán cũng lần đầu tiên bị đẩy ra rất xa lên tới 1,5 triệu đồng, trong khi những năm gần đây dù giá có biến động dữ dội, mức này chỉ 500.000-700.000 đồng. Nguyên nhân được cho dịch Covid-19 làm gia tăng sự sợ hãi, hỗ trợ giá vàng trong và ngoài nước bật tăng. Tuy nhiên, lý do sâu xa đã có từ trước bởi giá vàng đã tăng 2 năm nay, dịch Covid-19 chỉ là lý do “bồi” thêm cho giá tăng tiếp.
Đầu tiên xu hướng tăng giá của vàng sau 8 năm im lặng (từ 2011) đã bắt đầu từ nửa cuối 2018. Các yếu tố như chiến tranh thương mại, căng thẳng tại vùng Vịnh và nỗi lo kinh tế suy thoái… đã làm dòng tiền phải tìm nơi trú ẩn và vàng là một sự lựa chọn. Điều này đã góp phần thúc đẩy vàng tăng 2 năm qua.
Theo đó, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã bắt đầu tăng cường mua vàng. Năm 2019, còn chứng kiến những quốc gia hiếm khi đụng đến vàng như Ecuador, Balan, Kazakhstan, Qatar, Columbia cũng mua thêm đáng kể. Còn Trung Quốc và Nga mua vàng nhiều nhất 2 năm qua.
Số liệu ước tính từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và Capital Economics, năm 2019 các NHTW mua khoảng 700 tấn vàng, mức cao nhất trong suốt 60 năm. Bên cạnh đó những định chế tài chính lớn như các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETFs, ước tính đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng, mức cao nhất lịch sử mọi thời đại.
Đặc biệt, những năm trước chỉ các quỹ đầu tư ở Bắc Mỹ nắm giữ vàng, nhưng 2 năm qua các tổ chức tài chính trên toàn cầu đều gia tăng mua vào, và đa số đều không có ý định bán ra, ít nhất trong 5 năm tới.
Báo cáo năm qua của UBS và Palm Beach Investment (tập đoàn chuyên quản lý tài sản cho các gia đình giàu có), cũng cho thấy các hộ gia đình giàu có gia tăng tỷ trọng giữ tiền mặt hoặc đổ vào các kênh đầu tư an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ (TPCP).
Xu hướng vàng phi mã còn do nhiều chính phủ và NHTW mua vàng để phòng thủ, ổn định giá trị tiền tệ, thị trường tài chính quốc gia, xem vàng là chốt chặn tài chính cuối cùng nếu khủng hoảng, suy thoái ập tới. Bởi vàng là tài sản thanh khoản gần như tốt nhất, thậm chí hơn cả tiền mặt.
Thực tế, ngay cả những đồng tiền quốc gia có thanh khoản đứng đầu thế giới như USD, EUR khi mang qua quốc gia khác vẫn bị yêu cầu phải đổi sang đồng tiền nước họ. Trong khi đó, vàng gần như là một đồng tiền quốc tế hầu như nơi nào cũng chấp nhận.
Ngoài ra trong giai đoạn 10 năm qua, vàng là sản phẩm im lặng lâu nhất (2011-2018), trong khi chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số… tăng như vũ bão, nên tiềm năng tăng giá của vàng cũng nhiều hơn vì còn ở vùng giá thấp.
Tương lai nào cho vàng?
Giá vàng dù liên tục đi lên lập kỷ lục lịch sử, nhưng khả năng chưa có đỉnh khi hiện tại còn quá nhiều yếu tố ủng hộ vàng. Các bất ổn Trung Đông, Mỹ Latin, Hồng Kông… vẫn còn đó. Nhu cầu đầu tư an toàn không có dấu hiệu giảm sút, dòng tiền rút ra khỏi các kênh mạo hiểm như chứng khoán, bất động sản… tìm nơi trú ẩn chảy vào các “vịnh tránh bão” như vàng.
Đặc biệt, thương chiến Mỹ – Trung dù có dịu bớt nhưng vẫn phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Đó là việc các NHTW đua nhau hạ lãi suất, đưa ra các gói kích thích làm nhu cầu mua vàng phòng thủ tăng cao. Các NHTW, định chế tài chính lớn không hề có ý định bán vàng ra và vẫn đang giữ vị thế mua vào. Điều đáng lo nhất USD vẫn tăng liên tiếp bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất liên tục, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục hạ thêm trong năm nay.
Nhiều dự báo từ giới phân tích cũng cho rằng, Fed hạ lãi suất kèm các gói kích cầu hỗ trợ kinh tế sau dịch Covid-19. Trong lịch sử việc USD tăng giá chưa bao giờ là tin tốt, bởi mọi người có thể bán ra tài sản để thu về tiền đảm bảo sự thanh khoản của mình, trong đó USD là đồng tiền được thu về nhiều nhất do mức độ phổ biến hàng đầu thế giới.
Như vậy, giá cả hàng hóa đi xuống trên diện rộng, sẽ là dấu hiệu cho thấy kinh tế suy giảm. Tuy vậy điều đáng sợ hơn là việc USD tăng còn đi chung với giá vàng, điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử.
Giới đầu tư luôn biết 2 sản phẩm này thường đi ngược nhau, những lúc đi cùng chiều chỉ là giai đoạn ngắn vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên từ năm 2019, 2 sản phẩm này có thời gian cùng chiều nhiều hơn, đặc biệt từ đầu 2020 tới nay hầu như chưa lần nào đi ngược nhau.
Nghĩa là giá vàng trở nên quá đắt do USD tăng dữ dội (USDX chạm luôn mốc 100 điểm, tăng khoảng 35% so với 9 năm trước, thời điểm đỉnh lịch sử của vàng và đáy của USDX 9 năm). Như vậy, dòng tiền đổ vào nắm giữ 2 sản phẩm này và bán tháo các sản phẩm khác, đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế và thị trường tài chính.
Một yếu tố quan trọng khác là nền kinh tế Mỹ. Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ liên tiếp lập đỉnh lịch sử mới, đưa thị trường này tới gần 4.000 ngày trong thị trường con bò tót (thị trường giá lên). Tuy nhiên, khác với vàng chỉ mới tăng gần 2 năm mới đây, còn TTCK Mỹ đã tăng suốt 11 năm là chuỗi tăng dài nhất mọi thời trong bối cảnh kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc.
Ngoài ra, việc USDX đang ở mốc cao hiện nay tương quan với TTCK, đã làm giá CP trên thị trường Mỹ đắt hơn nữa. Điều này sẽ khiến NĐT lớn lo ngại, nên khả năng bán tháo chốt lời luôn hiện hữu làm dòng tiền đã, đang và sẽ đổ tiếp tục sang vàng để tránh rủi ro một khi TTCK Mỹ đi xuống.
Trong khi đó, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm lùi xuống dưới 1,3% và TPCP 30 năm giảm về 1,8%, thấp nhất mọi thời đại trong tuần qua, khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược sâu hơn, cho thấy những dòng tiền khổng lồ vẫn chọn kênh đầu tư an toàn làm nơi trú ẩn, nên vàng sẽ được hưởng lợi.
Tóm lại, với những yếu tố như trên cho thấy giá vàng dù tăng mạnh, nhưng nhiều khả năng vẫn chưa có đỉnh và việc vượt mốc 1.921USD/troy ounce, cao nhất mọi thời đại có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo saigondautu